Chính quyền và kinh tế Ai_Cập_cổ_đại

Tổ chức chính quyền và thương nghiệp

Pharaon thường được miêu tả mang những biểu tượng của hoàng gia và quyền lực.

Pharaon là vị người nắm giữ toàn bộ quyền lực tối cao của vương quốc và ít nhất là trên lý thuyết sở hữu toàn bộ đất đai cùng tất cả các nguồn tài nguyên của nó. Nhà vua là tổng tư lệnh tối cao của quân đội và là người đứng đầu nhà nước, dựa vào một bộ máy quan lại giúp ông quản lý công việc của mình. Đứng đầu chính quyền của nhà nước chỉ sau nhà vua là tể tướng, người đóng vai trò là đại diện và quản lý toàn bộ đất đai, quốc khố, các công trình xây dựng, hệ thống pháp luật, và các tài liệu lưu trữ.[87] Ở cấp độ khu vực, đất nước được chia thành 42 khu vực hành chính gọi là các nome nằm dưới sự cai trị bởi một nomarch, những người nằm dưới sự giám sát của tể tướng. Các ngôi đền hình thành nên xương sống của cả nền kinh tế. Không chỉ là nơi thờ cúng, chúng còn giữ nhiệm vụ thu gom và tích trữ của cải của vương quốc trong một hệ thống các kho thóc và Kho bạc được quản lý bởi những đốc công, họ giữ trọng trách phân phối thóc lúa và hàng hóa.[88]

Phần lớn nền kinh tế được tổ chức một cách tập trung và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù những người Ai Cập cổ đại không sử dụng tiền đúc cho đến thời kỳ hậu nguyên, họ đã sử dụng một loại hệ thống trao đổi hàng hóa,[89] sử dụng các bao tải thóc để làm tiêu chuẩn và deben, trọng lượng khoảng 91 gram (3 oz) bằng đồng hoặc bạc để tạo nên một đơn vị đo lường chung.[90] Người lao động được trả bằng thóc và một người lao động bình thường có thể kiếm được 5 ½ bao tải (200 kg hoặc 400 lb) thóc mỗi tháng, trong khi một quản đốc có thể kiếm được 7½ bao tải (250 kg hoặc 550 lb). Giá cả được cố định trên toàn quốc và được ghi vào sổ sách để tạo điều kiện cho việc kinh doanh; ví dụ như một chiếc áo có giá năm deben đồng, trong khi một con bò có giá 140 deben.[90] Thóc lúa có thể được trao đổi với các mặt hàng khác, theo một bảng giá cố định.[90] Vào thế kỷ thứ V TCN, tiền đúc đã được du nhập vào Ai Cập từ nước ngoài. Ban đầu các đồng xu được sử dụng như những miếng đúc tiêu chuẩn từ kim loại quý hơn là một loại tiền tệ thật sự, nhưng trong các thế kỷ kế tiếp, những thương nhân quốc tế đã tín nhiệm loại tiền này.[91]

Địa vị xã hội

Xã hội Ai Cập đã có sự phân chia giai cấp ở mức độ cao, và địa vị xã hội đã được phân biệt rõ ràng. Nông dân chiếm phần đông trong xã hội, nhưng nông sản lại thuộc sở hữu trực tiếp của nhà nước, đền thờ, hay các gia đình quý tộc mà sở hữu đất đai.[92] Nông dân cũng phải chịu thuế lao động và bị buộc phải tham gia lao động trong các dự án thủy lợi, các công trình xây dựng theo một hệ thống sưu dịch.[93] Nghệ sĩ và thợ thủ công lại có địa vị cao hơn nông dân, nhưng họ cũng nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, làm việc tại các phân xưởng gắn với những ngôi đền và được trả lương trực tiếp từ quốc khố. Các viên ký lục và quan lại hình thành nên tầng lớp thượng lưu ở Ai Cập cổ đại, được gọi là "tầng lớp váy trắng", một sự ám chỉ đến việc sử dụng quần áo bằng vải lanh màu trắng như là một dấu hiệu cho địa vị của họ.[94] Tầng lớp thượng lưu này còn làm nổi bật địa vị xã hội của họ thông qua nghệ thuật và văn học. Bên dưới giới quý tộc là các giáo sĩ, thầy thuốc, và các kỹ sư được đào tạo một cách chuyên môn trong lĩnh vực của họ. Nô lệ cũng đã được biết đến ở Ai Cập cổ đại, nhưng mức độ và tỷ lệ của nó lại không rõ ràng.[95]

Trừng phạt ở Ai Cập cổ đại.Những lao động trẻ tuổi người Ai Cập đang được thầy thuốc chữa trị.

Người Ai Cập cổ đại coi đàn ông và phụ nữ, kể cả tất cả mọi người đến từ tất cả các tầng lớp xã hội, ngoại trừ nô lệ, về cơ bản là bình đẳng với nhau theo quy định của pháp luật, và ngay cả những người nông dân dưới đáy cũng được quyền kiến ​​nghị tới tể tướng và triều đình.[96] Mặc dù, nô lệ được sử dụng chủ yếu như là những người hầu chịu sự ràng buộc. Họ có thể bị mua và bán, hoặc có thể làm việc tự do và thường được điều trị bởi các thầy thuốc tại nơi làm việc.[97] Cả đàn ông và phụ nữ đều có quyền sở hữu và mua bán tài sản, ký kết hợp đồng, kết hôn và ly hôn, nhận thừa kế, và theo đuổi các tranh chấp pháp lý tại tòa án. Các cặp vợ chồng có thể sở hữu tài sản chung và bảo vệ bản thân khi ly dị bằng cách đồng ý hợp đồng hôn nhân, trong đó quy định các nghĩa vụ tài chính của người chồng đối với vợ và con cái khi kết thúc cuộc hôn nhân của họ. So với phụ nữ ở Hy Lạp cổ đại, La Mã, và thậm chí là nhiều nơi trên thế giới vào ngày nay, phụ nữ Ai Cập cổ đại đã có nhiều quyền lợi hơn. Những người phụ nữ như HatshepsutCleopatra VII thậm chí đã trở thành các pharaon, trong khi nhiều người khác nắm giữ địa vị Người vợ thần thánh của Amun. Mặc dù có được nhiều quyền tự do, phụ nữ Ai Cập cổ đại lại không thường xuyên nắm giữ các vị trí chính thức trong chính quyền, họ chỉ giữ vai trò thứ yếu trong các ngôi đền, và không được nhận nền giáo dục như nam giới.[96]

Ký lục là những người có địa vị xã hội cao và được giáo dục tốt. Họ được giao trách nhiệm tính thuế, ghi chép, và quản lý.

Hệ thống pháp luật

Người đứng đầu của hệ thống pháp luật chính thức là pharaon, ông là người chịu trách nhiệm thi hành pháp luật, thực thi công lý, duy trì pháp luật và trật tự, một khái niệm được người Ai Cập cổ đại gọi là Ma'at[87] Mặc dù không có bộ luật nào từ thời Ai Cập cổ đại còn tồn tại, các thư liệu của tòa án cho thấy luật pháp Ai Cập dựa trên một cái nhìn chung về ý thức đúng và sai mà nhấn mạnh tới việc đạt được thỏa thuận và giải quyết xung đột thay vì tôn trọng đúng một tập hợp quy chế phức tạp[96] Hội đồng địa phương gồm những người cao tuổi, được biết đến như Kenbet vào thời Tân Vương quốc, chịu trách nhiệm về phán quyết trong các phiên tòa liên quan đến các vụ kiện nhỏ và tranh chấp nhỏ.[87] Trường hợp nghiêm trọng hơn liên quan đến giết người, giao dịch đất lớn, và cướp mộ được đưa đến Đại Kenbet, mà tể tướng hoặc pharaon chủ trì. Nguyên đơn và bị đơn dự kiến ​​sẽ đại diện cho bản thân và phải thề một lời tuyên thệ rằng họ đã nói sự thật. Trong một số trường hợp, chính quyền đóng cả hai vai trò là công tố viên và thẩm phán, và họ có thể tra tấn đánh đập bị cáo để có được một lời thú nhận và tên của bất kỳ đồng phạm nào. Bất kể lời buộc tội có thể là bình thường hoặc nghiêm trọng, viên ký lục của tòa án sẽ ghi nhận khiếu nại, lời khai, và phán quyết của vụ án để có thể xem xét đến trong tương lai.[98]

Hình phạt cho những tội lỗi nhỏ có thể là phạt tiền, đánh đập, cắt xẻo khuôn mặt, hay lưu đày, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Những tội nghiêm trọng như giết người và cướp mộ thì bị trừng phạt bằng cách xử tử, có thể bằng cách chém đầu, dìm chết đuối, hoặc đóng cọc đối với người phạm tội. Hình phạt cũng có thể được mở rộng ra đối với gia đình của người phạm tội.[87] Bắt đầu từ thời Tân Vương quốc, các nhà tiên tri đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, xét xử cả trong trường hợp dân sự và hình sự. Trình tự cho quá trình này đó là hỏi thần linh một câu hỏi "có" hoặc "không" có liên quan đến việc đúng hay sai của một vấn đề. Thần linh thông qua một số vị thầy tế, sẽ phán quyết bằng cách chọn một hoặc theo cách khác là di chuyển về phía trước hoặc phía sau, hoặc chỉ vào một trong những câu trả lời được viết trên một mảnh giấy cói hoặc một ostracon.[99]

Nông nghiệp

Công tác đo đạc và ghi chép được minh họa trên một bức tranh in tường tại lăng mộ của Menna, ở Thebes, Ai Cập (Vương triều thứ Mười tám)

Sự kết hợp các điều kiện địa lý thuận lợi góp phần vào sự thành công của văn hóa Ai Cập cổ đại, quan trọng nhất trong đó là đất đai có độ màu mỡ cao, kết quả từ sự ngập lụt hàng năm của sông Nile. Như vậy, người Ai Cập cổ đại có thể tạo ra một nguồn lương thực dồi dào, cho phép dân cư dành nhiều thời gian và nguồn lực cho các mục đích văn hóa, kĩ thuật, và nghệ thuật. Quản lý đất đai có vai trò rất quan trọng trong thời Ai Cập cổ đại bởi vì số thuế được dựa trên số lượng đất mà một người sở hữu.[100]

Công việc đồng áng ở Ai Cập phụ thuộc vào chu kỳ của sông Nile. Người Ai Cập ghi nhận ba mùa: Akhet (lũ lụt), Peret (trồng trọt), và Shemu (thu hoạch). Mùa lũ lụt kéo dài từ tháng sáu tới tháng chín, bồi đắp hai bên bờ sông một lớp phù sa lý tưởng, giàu khoáng chất cho việc trồng trọt. Sau khi nước lũ rút, mùa gieo trồng kéo dài từ Tháng Mười tới tháng hai. Nông dân cày và trồng hạt giống trên các cánh đồng, được tưới bằng mương, kênh rạch. Ai Cập vốn có lượng mưa hàng năm ít, do đó, nông dân đã dựa vào sông Nile để tưới nước cho cây trồng của họ[101] Từ tháng ba tới tháng năm, nông dân sử dụng liềm để thu hoạch cây trồng của họ, mà sau đó đã đập với một cái đập lúa một để tách riêng rơm khỏi hạt thóc lúa. Sàng lọc loại bỏ trấu khỏi thóc, các hạt thóc lúa sau đó được nghiền thành bột, ủ làm bia, hoặc được lưu trữ để sử dụng sau này.[102]

Một bức phù điêu từ ngôi mộ của Nakht mô tả cảnh người lao động đang cày ruộng, thu hoạch mùa vụ, và đập lúa dưới sự chỉ đạo của một quản đốc.

Người Ai Cập cổ đại trồng lúa mì và lúa mạch, và một số loại ngũ cốc khác, tất cả đều được sử dụng để làm cho hai loại thực phẩm chính là bánh mì và bia [103] Các cây lanh bị nhổ bật gốc trước khi chúng bắt đầu ra hoa, vốn được trồng để lấy sợi. Những sợi này được tách dọc theo chiều dài của nó và xe thành sợi, được sử dụng để dệt vải lanh và may quần áo. Cây cói mọc trên các bờ của sông Nile đã được sử dụng để làm giấy. Rau và hoa quả được trồng ở những mảnh đất vườn, gần các ngôi nhà và trên khu đất cao hơn, và phải được tưới nước bằng tay. Rau bao gồm tỏi tây, tỏi, dưa hấu, bí, đậu, rau diếp, và các cây trồng khác, ngoài ra còn có nho đã được chế biến thành rượu.[104]

Động vật

Người Ai Cập tin rằng một mối quan hệ cân bằng giữa con người và động vật là một yếu tố thiết yếu của trật tự vũ trụ, do đó con người, động vật và thực vật được cho là thành viên của một tổng thể chung duy nhất [105]. Gia súc là những vật nuôi quan trọng nhất, việc quản lý thuế đánh vào vật nuôi trong những cuộc tổng điều tra thường xuyên, và kích thước của một đàn phản ánh uy tín và tầm quan trọng của điền trang hoặc ngôi đền mà sở hữu chúng. Ngoài ra cho gia súc, người Ai Cập cổ còn nuôi cừu, lợn. Gia cầm như vịt, ngan, ngỗng, chim bồ câu đã bị bắt do mắc bẫy và được nuôi ở các trang trại, nơi chúng đã bị ép ăn với bột để vỗ béo[106]. Ngoài ra sông Nile còn là một nguồn cung cấp cá phong phú. Ong cũng được thuần hóa ít nhất là từ thời Cổ Vương quốc, và chúng đã cung cấp cả mật ong và sáp.[107]

Sennedjem cày ruộng của ông với một cặp bò.

Người Ai Cập cổ đại sử dụng lừa và bò để chuyên chở, và chúng còn được sử dụng trong việc cày ruộng và gieo hạt giống. Việc giết mổ một con bò được vỗ béo cũng là một phần trọng tâm trong các nghi lễ thờ cúng.[106]Ngựa đã được người Hyksos du nhập vào Ai Cập trong thời kỳ chuyển tiếp thứ hai, và lạc đà, mặc dù được biết đến từ thời Tân Vương quốc, chỉ được sử dụng để chuyên chở vào thời Hậu nguyên. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy những con voi đã được sử dụng trong một thời gian ngắn vào giai đoạn Hậu nguyên, nhưng phần lớn chúng đã bị bỏ rơi do thiếu đất chăn thả.[106]Chó, mèokhỉ là những loài thường được nuôi trong gia đình, trong khi các loài vật ngoại quốc khác được đưa về từ khu vực trung tâm của châu Phi, như sư tử, lại được dành riêng cho hoàng gia. Herodotus quan sát thấy rằng người Ai Cập là những người duy nhất giữ những loài vật nuôi ở cùng trong nhà với họ.[105] Trong giai đoạn Tiền triều đại và Hậu nguyên, việc thờ cúng các vị thần trong hình dạng động vật của họ trở nên vô cùng phổ biến, chẳng hạn như nữ thần mèo Bastet và thần cò Thoth, nhiều loài còn được nhân giống với số lượng lớn tại các trang trại nhằm dành cho mục đích hiến tế trong các nghi lễ.[108]

Tài nguyên

Ai Cập có nguồn tài nguyên đá phong phú dành cho các công trình xây dựng, cùng với đồng và chì, vàng, và đá bán quý. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên này cho phép người Ai Cập cổ đại xây dựng các công trình kiến trúc, tạc tượng, chế tạo các công cụ và đồ trang sức.[109] Quá trình ướp xác sử dụng muối từ Natrun Wadi để làm khô các xác ướp, ngoài ra còn cung cấp nguồn thạch cao cần thiết để làm vữa.[110] Còn có những mỏ vàng lớn Nubia, và một trong những bản đồ đầu tiên được biết đến là bản đồ về một mỏ vàng ở khu vực này. Wadi Hammamat là nơi cung cấp nguồn đá granit nổi tiếng, greywacke, và vàng. Đá lửa là loại khoáng chất đầu tiên được thu thập và sử dụng để làm công cụ, và những chiếc rìu đá là bằng chứng sớm nhất về quá trình định cư ở khu vực thung lũng sông Nile. Những viên đá nhỏ đã được mài một cách cẩn thận để làm lưỡi dao và đầu mũi tên nhờ vào độ cứng vừa phải của chúng và độ bền thậm chí chỉ kém đồng mà được sử dụng để thay thế sau này.[111] Người Ai Cập cổ đại là những người đầu tiên sử dụng các khoáng chất như lưu huỳnh làm mỹ phẩm.[112]

Người Ai Cập còn biết tách galen ra khỏi quặng chì tại Gebel Rosas để chế tạo lưới chì, các quả dọi bằng chì, và những bức tượng nhỏ. Đồng là kim loại quan trọng nhất được sử dụng để chế tạo công cụ ở Ai Cập cổ đại và loại quặng malachite dùng để nấu đồng lại được khai thác ở Sinai.[113] Công nhân khai thác vàng bằng cách đãi quặng vàng ra khỏi các lớp đá trầm tích, hoặc thông qua quá trình nghiền và đãi loại quặng vàng lẫn với quartzi vốn tốn nhiều công sức. Quặng sắt được tìm thấy ở thượng Ai Cập đã được sử dụng vào thời Hậu nguyên[114]. Những loại đá xây dựng với chất lượng cao rất dồi dào ở Ai Cập, người Ai Cập cổ đại đã khai thác đá vôi dọc theo thung lũng sông Nile, đá granite từ Aswan, và đá bazan cùng đá sa thạch từ các con sông cạn ở sa mạc phía đông. Những loại đá dùng để chạm khắc như Pocfia, greywacke, thạch cao tuyết hoa, và carnelian nằm rải rác ở sa mạc phía đông và được khai thác từ trước khi triều đại đầu tiên được lập nên. Vào thời kỳ nhà Ptolemaios và La Mã cai trị, người Ai Cập đã tiến hành khai thác đá ngọc lục bảo ở Wadi Sikait và thạch anh tím ở Wadi el-Hudi.[115]

Thương mại

Cuộc chinh phạt thương mại của Pharaon Hatshepsut đến Xứ Punt.

Người Ai Cập cổ đại đã tiến hành giao thương với các nước láng giềng ngoại quốc của họ để có được hàng hóa quý hiếm và kỳ lạ vốn không được tìm thấy ở Ai Cập. Trong giai đoạn Tiền triều đại, họ đã thiết lập thương mại với Nubia để có được vàng và hương liệu. Họ cũng thiết lập thương mại với Palestine với bằng chứng là những chiếc bình quai chứa dầu theo phong cách Palestine đã được tìm thấy trong các ngôi mộ của các pharaon thuộc triều đại thứ nhất.[116] Một khu thực dân của người Ai Cập đã được thiết lập ở miền nam Canaan có niên đại vào giai đoạn trước khi triều đại thứ nhất bắt đầu.[117] Vua Narmer còn có các đồ gốm Ai Cập được sản xuất tại Canaan và sau đó xuất khẩu trở lại Ai Cập.[118]

Tới triều đại thứ hai, thương mại giữa Ai Cập cổ đại với Byblos đã giúp cho Ai Cập có được một nguồn cung cấp gỗ chất lượng vốn không có ở Ai Cập. Đến triều đại thứ năm, thương mại với Punt đã đem về vàng, nhựa thơm, gỗ mun, ngà voi và các loài động vật hoang dã như khỉ và khỉ đầu chó.[119] Thương mại giữa Ai Cập với khu vực Anatolia đã mang về một lượng lớn thiếc cần thiết cũng như nguồn cung cấp đồng bổ sung, cả ở dạng kim loại và quặng đồng dùng cho việc chế tạo đồ đồng. Người Ai Cập cổ đại cũng rất coi trọng loại đá lapis lazuli màu xanh, mà phải nhập khẩu từ vùng đất Afghanistan xa xôi. Các đối tác thương mại ở Địa Trung Hải của Ai Cập còn bao gồm cả người Hy Lạp và Crete, họ đã cung cấp cho người Ai Cập nhiều loại hàng hóa khác nhau trong đó có dầu olive.[120] Về phần mình, Ai Cập chủ yếu xuất khẩu ngũ cốc, vàng, vải lanh, và giấy cói, ngoài ra còn bao gồm cả thủy tinh và những đồ vật bằng đá.[121]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ai_Cập_cổ_đại http://arthistory.about.com/od/from_exhibitions/ig... http://www.aldokkan.com/science/metallurgy.htm http://www.ancient-egypt-priests.com/ http://discovermagazine.com/2011/jun/02-egypts-los... http://www.history.com/topics/ancient-history/anci... http://www.omnilogos.com/2015/01/ancient-egypt-267... http://www.oxfordreference.com/view/10.1093/acref/... http://www.seeker.com/most-ancient-port-hieroglyph... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://fathom.lib.uchicago.edu/1/777777190170/